Đậu nành/đậu tương được coi là tốt cho sức khỏe, đặc biệt phụ nữ mãn kinh, người ăn chay, người bị bệnh…, nhưng ăn nhiều cũng có thể gây hại thận, xơ vữa mạch, thiếu sắt. Vậy những ai không nên ăn đậu hũ (đậu phụ) và các chế phẩm từ loại đậu này?
Ngoài isoflavone, đậu nành/đậu tương còn cung cấp các chất dinh dưỡng chất lượng cao mà cơ thể cần. Đây cũng là loại protein hoàn chỉnh vì nó có tất cả 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tạo ra. Các protein này giúp cơ thể xây dựng và duy trì xương, cơ bắp và các mô chắc khỏe.
Tốt nhưng ăn nhiều lại hại
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, người từng nhiều năm làm chuyên gia y khoa, cho biết đậu tương còn gọi là đậu nành, đỗ tương, rất giàu hàm lượng protein. Trong 100g đậu tương nấu chín không muối chứa 141 kcalo, 12,35g protein, 6,4g chất béo, 11,05g carbohydrate, 4,2g chất xơ…
Đậu nành/ đậu tương mang lại rất nhiều lợi ích với sức khỏe như: giảm nguy cơ ung thư vú, cải thiện khả năng sinh sản và giúp giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ sắp mãn kinh, giúp xương chắc khỏe và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, các nhà khoa học Nhật Bản khi tiến hành phát triển một loại thuốc có tên SE5-OH có thành phần chính là hợp chất S-equol, được làm từ đậu tương lên men.
TS Ayuko Oyama, trưởng nhóm nghiên cứu, cùng các cộng sự lựa chọn ngẫu nhiên 101 phụ nữ mãn kinh và chia thành 3 nhóm nghiên cứu: nhóm 1 bổ sung liều cao S-equol (30mg) hằng ngày trong 1-2 tuần, nhóm 2 dùng liều S-equol thấp hơn (10mg) và nhóm 3 dùng giả dược.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung các thực phẩm chiết xuất từ đậu tương S-equol liều cao hằng ngày cải thiện đáng kể các vết nhăn, vết chân chim bởi S-equol có thể gắn với các estrogen vào tế bào cơ thể.
Phụ nữ thời kỳ mãn kinh có các estrogen giảm hoạt tính dẫn đến quá trình lão hóa da nhanh, do đó các S-equol có thể hỗ trợ estrogen để quá trình này chậm lại, làm giảm các vết nhăn, vết chân chim.
Song chúng ta cũng không nên lạm dụng biến đậu nành/đậu tương thành thực phẩm ăn mỗi ngày, nhất là người cao tuổi và những người mắc bệnh thận, thiếu máu thiếu sắt, bệnh gout, xơ cứng động mạch thì không nên thường xuyên sử dụng đậu hũ (miền Bắc gọi là đậu phụ) bởi nó sẽ làm suy giảm chức năng thận.
Nguyên nhân là trong tình trạng bình thường, protein thực vật khi vào cơ thể sẽ qua quá trình chuyển hóa và cuối cùng một phần lớn sẽ biến thành chất thải chứa nitơ và được thận bài tiết ra bên ngoài.
Khi về già, chức năng bài tiết chất thải của thận bị suy giảm, nếu không chú ý đến việc ăn uống và ăn quá nhiều đậu phụ, nạp quá nhiều protein thực vật sẽ tăng chất thải chứa nitơ. Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng của thận cũng tăng lên, chức năng thận tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đậu hũ/đậu phụ chứa lượng protein tương đối lớn, nếu ăn quá nhiều trong một lần không những sẽ gây trở ngại cho việc hấp thụ sắt của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tiêu hóa với các triệu chứng như chướng bụng.
Các chuyên gia y học của Mỹ chỉ ra rằng các sản phẩm từ đậu rất giàu methionine, dưới tác động của enzyme có thể được chuyển đổi thành cysteine. Cysteine có thể làm hỏng tế bào nội mô động mạch, dễ dàng để làm lắng đọng cholesterol và triglyceride trong thành động mạch, thúc đẩy sự hình thành của xơ vữa động mạch.
Đặc biệt, ăn nhiều đậu tương cũng dẫn đến thiếu iốt bởi chất saponin ngoài ngăn ngừa xơ vữa động mạch còn thúc đẩy sự bài tiết của iốt trong cơ thể con người. Vì vậy, uống sữa đậu tương trong một thời gian dài có thể dễ dàng dẫn đến thiếu hụt iốt và dẫn đến một số bệnh.
Ai cần hạn chế ăn đậu tương?
Theo các chuyên gia là giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, đậu tương giàu dinh dưỡng nhưng 6 nhóm người không nên sử dụng quá nhiều đậu nành/đậu tương vì sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
– Người có chức năng tiêu hóa kém: Sữa đậu nành có tính lạnh, những người khó tiêu, ợ hơi và chức năng tiêu hóa kém nên ít uống. Người bị viêm dạ dày cũng ít nên ăn các sản phẩm từ đậu tương để không kích thích tăng tiết quá mức axit dịch vị và làm bệnh nặng thêm, hoặc gây đầy hơi.
– Người bệnh gout: Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin, trong khi đó đậu tương rất giàu purin. Purin là chất ưa nước nên đậu tương sau khi xay thì hàm lượng purin cao gấp mấy lần so với các sản phẩm làm từ đậu tương khác. Vì vậy, người bệnh gout nên hạn chế uống sữa đậu tương và đậu phụ/đậu hũ…
– Bệnh nhân suy thận: Bệnh nhân suy thận cần có chế độ ăn ít đạm, trong khi đó đậu nành và các chế phẩm của chúng là những thực phẩm giàu chất đạm, các chất chuyển hóa sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
– Người bệnh đang hồi phục sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng: Những người sau khi phẫu thuật hoặc ốm đau, sức đề kháng của cơ thể yếu và chức năng tiêu hóa không tốt. Lúc này nên hạn chế sử dụng đậu nành, đặc biệt là sữa đậu nành lạnh vì dễ bị buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng khác.
– Người cao tuổi: Chức năng thận của người cao tuổi tương đối yếu và nếu ăn đậu nành, tức là chúng ta đã nhập vào cơ thể quá nhiều đạm thực vật trong quá trình ăn. Các chế phẩm từ đậu nành sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và có thể dẫn đến suy thận.
Nhiều người cao tuổi nếu sức khỏe tốt vẫn có thể ăn lượng đậu nành/đậu tương hợp lý, tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều.
– Người có bệnh tuyến giáp: Người bệnh tuyến giáp tránh sử dụng các sản phẩm đậu nành đã qua chế biến như bột đậu nành, bột protein tăng cơ. Không lạm dụng những sản phẩm đậu nành và thay thế cho những món ăn khác. Chỉ sử dụng những chế phẩm chưa qua chế biến quá nhiều như sữa đậu, đậu phụ tươi, miso. Không nên ăn quá nhiều và thường xuyên.
Thực phẩm từ đậu nành không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp ở những người có tuyến giáp khỏe mạnh. Nhưng nếu bạn có một tuyến giáp kém hoạt động, thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh là có thể cản trở cơ thể hấp thụ thuốc tuyến giáp.
Vì vậy, nên đợi ít nhất bốn giờ sau khi ăn các sản phẩm từ đậu nành để uống thuốc tuyến giáp đã được bác sĩ kê đơn, với lượng đậu tương hạn chế.
Nguồn : https://tuoitre.vn/khi-nao-khong-nen-an-dau-nanh-dau-hu-20230912072755562.htm