Tôi tiêm filler má tại một thẩm mỹ viện, ngay sau đó thấy chỗ tiêm hơi gồ lên, nhân viên bảo là filler sẽ tan hết sau vài ngày.
Sau một tháng, chỗ tiêm vẫn gồ, sờ hơi cứng, đây có phải biến chứng không, tôi phải làm thế nào? (Thu Hằng, 23 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Tiêm filler (chất làm đầy) là phương pháp làm đẹp nội khoa ít xâm lấn, khá an toàn, hiệu quả nhanh nếu được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu có chứng chỉ, thực hiện ở cơ sở y tế được cấp phép. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi tiêm filler xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, trong đó có tình trạng vón cục.
Tiêm filler bị vón cục là tình trạng sau khi tiêm, vị trí tiêm xuất hiện các cục tròn nhỏ dưới da, nổi cộm hoặc lổn nhổn. Tùy vào mức độ vón cục mà có thể nhìn bằng mắt thường hoặc phát hiện khi sờ tay vào. Vùng tiêm sưng, lệch, mất cân đối, biến dạng. Các mảng da có thể bị sưng, đỏ và sờ vào cảm thấy khá cứng. Da bị chứng giãn mạch máu. Vùng tiêm có thể đau nhức, ấm nóng.
Filler bị vón cục có thể xuất hiện ngay sau tiêm hoặc sau vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
Filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng: Tất cả loại filler đều có khả năng bị vón cục. Các loại chất làm đầy kém chất lượng, nhất là các loại filler vĩnh viễn dạng silicon lỏng có tỷ lệ vón cục cao hơn.
Silicon lỏng khi tiêm dễ gây biến chứng tắc mạch, hoại tử, tử vong, đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng từ năm 1991. Bộ Y tế Việt Nam cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể với mục đích làm đẹp năm 1995.
Tiêm filler quá liều: Nhiều người lầm tưởng tiêm filler càng nhiều càng đẹp nên tự ý mua về tiêm tại nhà. Tuy nhiên, mỗi vùng cơ thể cần một lượng filler nhất định và chỉ bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da mới có thể tính toán, định lượng phù hợp. Lạm dụng filler làm tăng khả năng vón cục và đi kèm nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Việc định hình filler cũng trở nên khó khăn hơn, mặt biến dạng, dễ bị lệch và méo.
Tiêm sai kỹ thuật, sai vị trí: Filler bị vón cục sau tiêm có thể do kỹ thuật tiêm, khi bơm quá nhiều filler vào vị trí da nông hoặc lựa chọn loại không phù hợp ở những vùng động của khuôn mặt.
Tiêm không đúng cách thường do người thực hiện có tay nghề kém hoặc không có chuyên môn. Do đó, người làm đẹp cần chọn các bác sĩ chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da được cấp chứng chỉ tiêm filler để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Nhiễm trùng sau tiêm: Tình trạng nhiễm trùng sau tiêm cũng khiến filler bị vón cục. Nguyên nhân chủ yếu do dụng cụ tiêm không được vô trùng, tiêm filler không đúng quy trình và chăm sóc sức khỏe sau tiêm không hợp lý. Nhiễm trùng da có khả năng gây loét, hoại tử cao, từ đó tăng nguy cơ hình thành sẹo.
Bạn không nên tự điều trị vùng filler bị vón cục bằng bất cứ cách nào. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, biến chứng filler không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây nguy hiểm tới sức khỏe. Bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ kiểm tra tình trạng các vùng da sau tiêm filler và điều trị phù hợp.
Người bệnh có thể được kê thuốc kháng sinh, kháng viêm, kết hợp với tiêm giải (tiêm tan) filler hoặc tiêm steroid. Phương pháp này giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và cải thiện tình trạng vùng da bị tổn thương. Đối với các biến chứng nặng, bác sĩ có thể tiểu phẫu để loại bỏ filler ra khỏi cơ thể.