Filler thường tan hết sau khoảng 1-2 năm, tùy vào tình trạng sức khỏe, vị trí, kỹ thuật tiêm, loại chất làm đầy và chăm sóc sau tiêm.
Tiêm filler là phương pháp làm đẹp giúp giảm nếp nhăn, tạo dáng cằm V-line, nâng mũi… không cần phẫu thuật xâm lấn. ThS.BS.CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết hiệu quả của phương pháp này không vĩnh viễn bởi filler dần tan và thải ra ngoài qua quá trình trao đổi chất tự nhiên của cơ thể. Một số yếu tố dưới đây có ảnh hưởng đến thời gian tan filler.
Cơ địa
Nếu nồng độ enzym hyaluronidase (enzym phân giải axit hyaluronic) trong cơ thể càng cao, quá trình phân hủy của chất làm đầy càng nhanh.
Loại filler
Tùy loại chất làm đầy, liều lượng tiêm mà thời gian tan khác nhau. Bác sĩ An cho biết axit hyaluronic (HA) là hoạt chất được dùng chủ yếu trong tiêm filler. HA tự do là chất tự nhiên tồn tại trong da. Các bác sĩ tiêm loại filler này để làm đầy vùng thể tích mô mỡ bị thiếu hụt và giữ da căng mịn. Thông thường, HA có hiệu quả kéo dài khoảng một năm. Nếu tiêm HA tại môi hiệu quả thường không kéo dài lâu bằng ở má và mũi.
Canxi hydroxylapatite (CaHA) là chất tự nhiên tồn tại trong xương. Bác sĩ dùng CaHA để gò má đầy đặn và giảm các nếp nhăn sâu. Hiệu quả của loại filler này thường kéo dài khoảng 15 tháng.
Poly-L-lactic acid (PLLA) là chất tổng hợp có công dụng giúp cơ thể tự sản sinh collagen. PLLA dùng để điều trị các nếp nhăn sâu ở má và thường có hiệu quả kéo dài từ hai năm trở lên.
Polymethylmethacrylate (PMMA) với các hạt collagen siêu nhỏ có tác dụng định hình khuôn mặt và giúp vùng được điều trị săn chắc, đầy đặn. Hiệu quả từ PMMA có thể kéo dài nhiều năm nhưng cần tiêm lại nhiều lần.
Kỹ thuật tiêm
Bác sĩ có chuyên môn, tiêm đúng kỹ thuật, vị trí và liều lượng vừa đủ giúp filler phát huy tác dụng tối đa. Tiêm càng sâu hoặc chất làm đầy càng đặc thì hiệu quả duy trì càng lâu. Tuy nhiên, chỉ bác sĩ có chứng chỉ tiêm filler mới được chỉ định, điều chỉnh liều lượng, thực hiện thủ thuật nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.
Cách chăm sóc sau tiêm
Chất làm đầy tan nhanh hơn khi gặp nhiệt độ cao. Người tiêm filler hạn chế xông hơi, cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh ánh nắng trực tiếp và mũ rộng vành để bảo vệ vùng da vừa điều trị.
Các tác động lên vùng tiêm (sờ, nắn, xoa bóp) hoặc biểu cảm khuôn mặt mạnh (cười lớn, tức giận) ở vùng tiêm có thể gây biến dạng hoặc di chuyển chất làm đầy sang khu vực khác. Sử dụng các sản phẩm kích thích như rượu, bia, thuốc lá… đều ảnh hưởng đến thời gian filler tan.
Bác sĩ An cho biết tiêm filler không đảm bảo vô khuẩn, sai vị trí, liều lượng, thực hiện ở cơ sở không được cấp phép hoặc filler kém chất lượng… gây ra biến chứng tắc mạch máu, hoại tử, mù mắt, đột quỵ, tử vong. Người có nhu cầu làm đẹp bằng filler nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu – thẩm mỹ da để đảm bảo an toàn.
Nguồn : https://vnexpress.net/tiem-filler-lam-dep-duoc-bao-lau-4756986.html