Ngồi gù lưng, rướn đầu, cúi mặt, chống tay lên má, nằm sấp khi ngủ, ăn các món nhiều dầu mỡ là những thói quen dễ tích mỡ ở cằm.
Nọng cằm (cằm đôi) là tình trạng phổ biến, xảy ra khi một lớp mỡ hình thành dưới cằm. Lớp mỡ dày lên hình thành những nếp nhăn sâu, tạo thành một hoặc nhiều “cằm” thừa. Tình trạng cơ mặt chảy xệ, da chùng nhão ở cổ cũng là một trong những nguyên nhân gây nọng cằm. Dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nọng cằm có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bên cạnh những nguyên nhân chính là lão hóa, thừa mỡ, co rút cơ cổ hay hội chứng Cushing (một dạng rối loạn nội tiết), nọng cằm còn hình thành do các thói quen hàng ngày.
Ngồi gù lưng, rướn đầu, cúi mặt: Ngồi sai tư thế khi sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng tới cột sống và xương khớp mà còn khiến da mặt và lớp cơ, mỡ, mô dưới da chảy xệ, theo trọng lực dồn xuống phần cằm và cổ. Vùng da quanh hàm dần lỏng lẻo, tích tụ mỡ, tăng kích thước. Đường viền cổ chùng xuống hình thành nọng cằm và các đường nhăn ở cổ.
Chống cằm, ôm má: Thường xuyên chống cằm hay ôm má một bên khi nói chuyện, ăn uống khiến trọng tâm của khuôn mặt lệch sang một bên. Cơ mặt và làn da mất dần tính đàn hồi do bị chèn ép, làm tăng nếp nhăn ở má, khóe mắt.
Nằm sấp, nằm nghiêng quá lâu khi ngủ: Ngoài gây thêm áp lực cho tim và khó thở, tư thế nằm sấp khi ngủ còn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt. Mặt đè ép vào gối, nệm trong nhiều giờ khi ngủ khiến mặt to bè sang hai bên, đường sống mũi lệch, dễ hình thành nếp nhăn khóe miệng, vùng mỡ dưới cằm lộ rõ hơn.
Nằm nghiêng một bên xem điện thoại kéo dài có thể khiến cho da, cơ, mỡ dồn lệch sang phía bị tì đè. Tư thế ngủ tốt nhất là nằm ngửa.
Lối sống không lành mạnh: Thức khuya, ngủ không đủ giấc, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ cũng làm tích tụ mỡ, giảm độ đàn hồi của da và cơ.
Ăn đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đồ chế biến sẵn làm tăng nguy cơ tích mỡ. Ăn ngọt nhiều làm lão hóa da, tăng cân. Không tập luyện thể thao làm mỡ thừa không chuyển hóa, dần tích tụ tại các bộ phận trên cơ thể. Ngay cả những người gầy, nếu ít vận động thì kết cấu da cũng lỏng lẻo, dễ xuất hiện nọng cằm.
Không chống nắng: Da chùng nhão, nọng cằm là dấu hiệu lão hóa da do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Dưới tác động của tia UV, vùng da quanh cằm vốn đã mỏng càng dễ mất độ đàn hồi, xuất hiện nếp nhăn.
Theo bác sĩ Trang, để ngăn nọng cằm, ngoài bỏ các thói quen xấu trên, nên sử dụng kem dưỡng ẩm, kem chống nắng và các sản phẩm chống lão hóa từ sớm để tăng độ đàn hồi, săn chắc da, hạn chế quá trình lão hóa. Khi rửa mặt hàng ngày, nên massage mặt theo chiều từ dưới lên trên và từ trong ra ngoài để hạn chế da chảy xệ.
Tập thể dục 45 phút mỗi ngày, trong đó nên lặp lại các động tác xoay trái, phải – ngửa cổ – cúi đầu để tăng sự săn chắc, đàn hồi cho da, cơ vùng dưới hàm và cổ.
Nguồn : https://vnexpress.net/thoi-quen-xau-de-gay-nong-cam-4710056.html