Tháo túi ngực là phẫu thuật cần gây mê toàn thân, phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn về bệnh lý, thẩm mỹ, theo ThS. BS Hồ Cao Vũ.
ThS. BS Hồ Cao Vũ, khoa khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện nay, nhiều chị em nâng ngực trên 5 năm mong muốn tháo túi, đặc biệt là khách Việt Kiều. Các nguyên nhân bao gồm: vỡ túi, bao xơ, tụt túi, cứng túi, túi nhám (túi sản xuất theo cơ chế đông muối) có nguy cơ gây ung thư, túi nước biển, thông khe, lộ túi, túi chảy về phía xương vai, túi ngực quá lớn so với cơ thể… Tuy nhiên, bác sĩ Vũ nhắc nhở phái đẹp cần cẩn trọng, tìm địa chỉ uy tín, tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám trước khi thực hiện tháo túi ngực. Dưới đây là một số trường hợp nên thực hiện thủ thuật này.
Đặt túi nhám
Phụ nữ đã đặt túi ngực trên 5 năm cần kiểm tra các thông tin liên quan như: chất liệu, thương hiệu, kích thước túi, kiểm tra lâm sàng ngực ở tư thế đứng và tư thế nằm có cứng hay không… Hầu như phụ nữ đặt túi ngực trên 5 năm, đặc biệt là Việt Kiều, thường đặt túi Allergan, túi nhám sản xuất theo cơ chế đông muối, túi ngực không rõ nguồn gốc, túi độn không đạt chứng nhận an toàn từ các tổ chức khoa học và y khoa như FDA.
ThS. BS Vũ cho biết đã có hai báo cáo từ FDA về nguy cơ ung thư liên quan đến túi nhám bao gồm dạng ung thư hiếm gặp được gọi là u lympho tế bào lớn không điển hình (BIA ALCL) và ung thư biểu mô tế bào vảy và các u lympho khác trong sẹo – vỏ bao xơ hình thành xung quanh túi ngực vào năm 2022. Vì thế, anh khuyến cáo khách hàng đã đặt túi ngực trên 5 năm nên chụp MRI nhũ chuyên sâu để kiểm tra tình trạng bệnh lý tuyến vú, túi ngực, pocket và các bệnh lý liên quan đến túi ngực cũng như phẫu thuật tháo túi sớm nhất có thể khi có dấu hiệu bất thường.
Đặt túi nước biển
Qua nhiều ca phẫu thuật tháo túi nước biển, ThS.BS Hồ Cao Vũ nhận thấy có hiện tượng vôi hóa ở vỏ túi ngực. Những ca ngực biến dạng, bao xơ co thắt độ 3, 4 xuất hiện trong quá trình phẫu thuật tháo túi nước biển. Do đó, bác sĩ khuyên các chị em đã đặt túi nước biển cần chụp MRI nhũ chuyên sâu và thăm khám nếu có bất thường cũng như theo dõi định kỳ.
Vỡ túi ngực
Vỡ túi ngực có nhiều nguyên nhân như: túi bị lão hóa khi đặt trên 10 năm; các loại túi nhám, túi nước biển chưa được FDA công nhận; thiết kế khoang đặt túi hẹp so với kích thước túi ngực làm túi bị chèn ép tạo nên nếp gấp ở vỏ túi qua thời gian gây lão hóa gây vỡ túi; co thắt bao xơ tạo áp lực lên túi gây co rút và vỡ túi; bác sĩ thực hiện phẫu thuật thao tác thô bạo gây tổn thương vỏ túi…
Vỡ túi ngực thường âm thầm và không đau. Với những trường hợp túi rò rỉ, chị em rất khó phát hiện vì không có biểu hiện lâm sàng đau nhức hay thay đổi hình dạng. Thông thường, trường hợp này chỉ phát hiện qua tái khám định kỳ, bác sĩ có kinh nghiệm hoặc chụp MRI nhũ chuyên sâu (khác chụp MRI thông thường) nhìn thấy hình ảnh vị trí túi rò rỉ. Với trường hợp vỡ hoàn toàn, chất gel chảy ra khỏi vỏ túi và nằm trong pocket làm ngực xẹp, biến dạng, đổ nhiều hơn bình thường.
ThS.BS Hồ Cao Vũ khuyên chị em cần làm một số xét nghiệm khi vỡ túi ngực, bao gồm:
Chụp MRI nhũ chuyên sâu kiểm tra tình trạng bệnh lý tuyến vú, bao xơ, pocket, các bệnh liên quan đến túi ngực, các u. Đối với những hãng túi ngực lớn ở Mỹ, kết quả chụp MRI chuyên sâu về nhũ là một trong những yếu tố cần thiết giúp khách hàng được thay túi mới, nếu vẫn trong thời gian bảo hành. Siêu âm, chụp X-quang, chụp MRI thông thường không mang lại hiệu quả với những trường hợp đặt túi ngực và vỡ túi ngực.
Gặp bác chuyên về bệnh lý và thẩm mỹ: Bác sĩ sẽ khám và lên phương án phẫu thuật tháo túi ngực vỡ, xử lý những biến chứng đi kèm như bao xơ, có u, có bất thường trong pocket cùng những rủi ro sẽ xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Với những trường hợp tháo túi vỡ đặt lại túi mới cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhiều trường hợp tháo túi vỡ có bất thường thì 100% không được đặt lại túi mới.
Thông khe
Ngực thông khe là một trong những biến chứng thường gặp nhưng rất ít chị em biết mình đang gặp tình trạng này.
Nguyên nhân: Ngực thông khe bị gây ra do kỹ thuật tạo khoang đặt túi của bác sĩ phẫu thuật. Mỗi người có một cấu trúc giải phẫu khác nhau và lồng ngực cũng tương tự. Nếu bác sĩ thực hiện cố gắng tạo khoang ngực quá rộng hướng vào bên trong xương ức để đặt túi ngực sát nhau, việc đặt túi ngực quá lớn hoặc khách hàng mặc áo định hình ép quá mức vào bên trong để đạt khe mong muốn… sẽ dẫn đến biến chứng nâng ngực bị thông khe. Một số nguyên nhân xảy tình trạng nâng ngực bị thông khe do phương pháp phẫu thuật gồm: tạo khoang đặt túi quá rộng về phía xương ức; khoang không đủ phía ngoài, cắt cơ quá nhiều phía trong, túi có thể tích lớn không phù hợp với khoang tạo ra; sai chỉ định giải phẫu; mặc sai áo định hình trong 6 – 8 tuần đầu.
Dấu hiệu nhận biết ngực thông khe: Rất dễ nhận biết thông qua hình ảnh hoặc khám lâm sàng. Hai bên ngực được ngăn cách bởi xương ức chính giữa. Nếu sau khi đặt túi ngực, khoảng cách này mất đi, thay vào đó là bờ trong hai bầu ngực đẩy vào nhau che đi phần xương ức, ở tư thế nhìn xuống thấy rất rõ, đó là biến chứng ngực thông khe. Biến chứng này diễn ra rất sớm, ngay từ khi đặt túi, nếu để thời gian lâu dài dẫn đến hai ngực thông nhau, sẽ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và rất khó để sửa lại.
Tụt túi
Hiện nay, các trường hợp tụt túi ngực ở nhiều độ nhưng chỉ khi ngực chảy nhiều về bụng, chị em mới nhận thấy bất thường.
Dấu hiệu tụt túi ngực bao gồm:
Cực trên túi ngực mất dần: Sau thời gian đặt túi ngực, chị em nhận thấy cực trên của ngực ngày càng mất đi, khi mặc áo không thấy ngực đầy đặn phần trên.
Tư thế đứng, ngực đổ nhiều về bụng: Trường hợp này dễ nhầm lẫn với ngực sa trễ nên cần theo dõi từ sau khi đặt túi ngực có xu hướng chảy về bụng như thế nào.
Khoảng cách đầu ti xuống cực dưới dài hơn khoảng cách từ đầu ti lên cực trên: Trung tâm túi phải nằm ngay vị trí đầu ti, nếu tụt túi ngực thì khoảng cách từ đầu ti về 2 cực sẽ lệch nhau.
Nguyên nhân gây tụt túi ngực: Một số nguyên nhân gây tụt túi ngực do kỹ thuật của bác sĩ phẫu thuật thiết kế khoang đặt túi không đúng với cấu trúc giải phẫu, mặt phẳng khoang không đúng, túi ngực đặt quá lớn và nặng.
ThS. BS Hồ Cao Vũ nhấn mạnh tháo túi ngực là phẫu thuật cần gây mê toàn thân. Những rủi ro có thể xảy ra bao gồm: nhiễm trùng, chảy máu, tụ máu, tụ dịch, sẹo… Do đó, phái đẹp cần thực hiện tháo túi ngực tại bệnh viện đa khoa chuyên sâu, do bác sĩ có chuyên môn về bệnh lý và thẩm mỹ thực hiện nhằm đảm bảo an toàn.
Khi sử dụng dao siêu âm thay vì dao đốt điện trong phẫu thuật tháo túi ngực và đặt lại túi mới (nếu không có bất thường), người bệnh được giảm đau và lành thương nhanh, không cần uống thuốc giảm đau hay kháng sinh sau mổ, về ngay trong ngày. Một số dao siêu âm được sử dụng trong phẫu thuật tháo túi ngực như Harmonic hoặc Innolcon, Enseal, Ligasure, dao hoạt động theo cơ chế đốt – hàn – cắt, sử dụng sóng siêu âm và hệ thống cảnh báo tự động tạo ra nhiệt lượng ổn định, hạn chế gây phỏng và tổn thương mô, không tiết dịch, không chảy máu nên không làm tăng hiện tượng viêm bình thường sau phẫu thuật.
Theo ThS.Bs Hồ Cao Vũ, tháo túi ngực và đặt lại túi mới khi sử dụng dao siêu âm tương tự khi nâng ngực mới sẽ không chảy máu, không đau, lành thương nhanh, không sẹo xơ cứng kéo dài, không nghỉ dưỡng, không uống thuốc giảm đau hay kháng sinh và có thể về ngay trong ngày không cần ở lại bệnh viện.
Nguồn : https://vnexpress.net/nhung-dieu-can-luu-y-khi-thao-tui-nguc-4640585.html