Nhung hươu là phần cốt chất trên đầu hươu, gồm những hoạt chất có nhiều công dụng khác nhau hỗ trợ cho sức khỏe. Dưới đây là những bài thuốc từ nhung hươu giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe có thể bạn chưa biết.
1. Nhung hươu có tác dụng gì?
Theo sách “Nhung hươu trị bách bệnh”, nhung hươu là sản phẩm có được từ sừng non (lộc) của những con hươu đực (Cervus nippon Temminck), hoặc con nai đực (Cervus unicolor Cuv) thuộc học hươu (Cerviadae). Nhung hươu được y học cổ truyền xếp vào danh sách của 4 thứ thượng dược, 4 thuốc bổ, 4 vị thuốc quý đó là sâm, nhung, quế, phụ.
Lịch sử đông y đã nghiên cứu và chứng minh, nhung hươu có tác dụng tráng nguyên dương, bổ sung khí huyết, ích lợi cho tinh tủy và cường gân tráng cốt.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, có rất nhiều thành phần hoạt tính trong nhung hươu gồm: Axit amin, polyamines, lipit, hợp chất thơm, enzin, vitamin, hormone, nguyên tố vô cơ và hàng trăm chất khác. Những thành phần hóa học này có ý nghĩa rất lớn đối với việc hỗ trợ sức khỏe con người.
Theo y học cổ truyền, nhung hươu có vị ngọt, mặn, tính ôn. Quy kinh thận, tâm, can, tâm bào. Công năng: bổ dương, bổ thận dương, được dùng trong các trường hợp thận dương kém, yếu sinh lý, liệt dương, hoạt tinh, đau lưng, chân tay lạnh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, tử cung lạnh, tắc tia sữa. Ngoài ra, nhung hươu có tác dụng hỗ trợ mạnh gân xương, ích huyết, dùng trong các trường hợp thiếu máu, người gầy yếu xanh xao, trẻ em chậm liền thóp, chậm lớn, người già gầy yếu đi lại khó khăn.
2. Các bài thuốc từ nhung hươu hỗ trợ sức khỏe (Trích lược từ sách “Nhung hươu trị bách bệnh”)
Bổ cốt chi, sơn dược, nhung hươu
Nguyên liệu: Bổ cốt chi 50g, sơn dược 80g, đương quy 80g, phục linh 50g, toan táo nhân 30g, ngưu tất 50g, cầu kỷ tử 50g, thục địa 100g, bá tử nhân 30g, viễn chí 30g, bạch truật 50g, hổ phách 20g, nhung hươu 30g, cam thảo 20g, nhục quế 20g, trần bì 20g.
Cách chế biến: Nghiền nhỏ các vị thuốc trên, sau khi hòa trộn các vị thuốc thì lọc lấy bột nhỏ mịn, trộn với mật ong để nặn thành viên.
Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết, ích thận tráng dương. Khí huyết lưỡng khuy, dương suy thể nhược, lưng chân đau mỏi, thận hàn tinh lãnh.
Cách dùng: 1 lần 1 viên, ngày 2 lần, dùng với nước ấm.
Câu kỷ tử, thương truật, dâm dương hoắc
Nguyên liệu: hoàng tinh 1.500g, cầu kỷ tử 500g, phục linh 250g, thường truật 1.000g, dâm dương hoắc 1.250g, viễn chí 500g, đại táo 500g, ngũ vị tử 1.000g, toan táo nhân 250g, mạch môn đông 250g, cao quy bản 125g, lộc nhung 25g, lộc giác giao 50g, thục địa 250g, đường trắng 750g.
Cách chế biến:
+ Giã nhỏ các vị thuốc nhân can, lộc nhung, cao lộc, cao quy bản, viễn chí, phục linh, mạch môn đông, hoàng tinh, đường trắng giã nhỏ, sàng lọc lấy bột mịn.
+ Cách sắc, hấp: Tán nhỏ dâm dương hoắc, thương truật, câu kỷ tử, thục địa, ngũ vị tử, đại táo, toan táo nhân rồi đem sắc 3 lần (6,5,2 giờ). Lọc kỹ lấy nước thuốc.
+ Chế thành dạng viên nén: Trộn nước thuốc đã sắc với những thành phần thuốc đã tán, sao khô, giã nhỏ, sàng lọc, bột thuốc nhỏ, mịn chế thành từng viên nhỏ, sao khô.
Công dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm tận, kiện não an thần. Thần kinh suy nhược, mất ngủ, hay bị choáng váng, thân thể yếu ớt, hỗ trợ cải thiện liệt dương.
Cách dùng: mỗi lần dùng 2- 3 viên, 1 ngày dùng 2- 3 lần.
Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/cac-bai-thuoc-tu-nhung-huou-ho-tro-cho-suc-khoe-169221121144554703.htm