Tôi 32 tuổi, da mặt không đều màu, thâm mụn và nám xen lẫn. Tôi có nên thay da sinh học không, hiệu quả thế nào? (Minh Ngà, TP HCM)
Trả lời:
Thay da sinh học là phương pháp sử dụng chất hóa học phù hợp thoa lên bề mặt da, thay thế lớp tế bào cũ bằng tế bào mới. Phương pháp này được thực hiện với nhiều cấp độ. Căn cứ vào loại da, tình trạng gặp phải, bác sĩ cân nhắc dùng nồng độ và hoạt chất phù hợp.
Ở cấp độ nông, chất hóa học có nồng độ vừa đủ để thấm sâu tới lớp thượng bì và bì nhú (60 um). Cấp độ này được dùng trong điều trị các nếp nhăn nhỏ, mụn trứng cá, da khô và không đều màu, tổn thương da do ánh sáng.
Với cấp độ trung bình, chất hóa học có nồng độ cao hơn, thẩm thấu tới phần nông của lớp bì lưới (450 um). Cấp độ này được sử dụng để điều trị nếp nhăn lớn hơn, sẹo mụn, cải thiện tình trạng da không đều màu như trường hợp của bạn.
Thay da sinh học ở cấp độ sâu tác động đến lớp bì lưới giữa của da, cải thiện dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, tăng sắc tố da, nám, đốm đen, tàn nhang, sẹo nông. Tuy nhiên, người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, cần chăm sóc da cẩn thận, dự phòng trường hợp nhiễm trùng, nhiễm nấm da, tái hoạt virus herpes.
Điều trị bằng phương pháp thay da sinh học có hiệu quả hay không phụ thuộc vào chất lượng hóa chất, chuyên môn của bác sĩ và cách chăm sóc da sau liệu trình. Các hóa chất được dùng chủ yếu là axit, nếu không biết cách pha chế, sử dụng sai liều lượng, thực hiện không đúng kỹ thuật dẫn đến bỏng da, để lại sẹo vĩnh viễn.
Trước khi lựa chọn phương pháp này, bạn nên đến bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da để được kiểm tra, đánh giá tình trạng, từ đó có liệu trình điều trị phù hợp. Người có vết thương hở; mắc các bệnh về da như vảy nến, chàm, viêm da tiết bã, trứng cá đỏ; phụ nữ có thai hoặc cho con bú; người có da nhạy cảm… không nên thay da sinh học.
Vùng da khi kết thúc liệu trình có hiện tượng hồng ban nhẹ hoặc rát nhẹ nhưng thoáng qua. Sau 2-5 ngày, lớp tế bào cũ sẽ bong tróc thay thế bằng tế bào mới. Để tối ưu hiệu quả điều trị, nên thoa kem chống nắng, đội mũ rộng vành, khẩu trang. Không cạy, gỡ mài da, làm sạch da bằng nước muối, tạm ngưng sử dụng mỹ phẩm, trang điểm vì dễ gây bít tắc lỗ chân lông, hình thành mụn. Duy trì độ ẩm bằng kem dưỡng theo chỉ định của bác sĩ, tránh làm da trầy xước.
Nguồn : https://vnexpress.net/co-nen-thay-da-sinh-hoc-4650006.html