Cùng có tác dụng xóa nhăn, trẻ hóa da nhưng filler làm đầy vùng khuyết, còn botox giúp thon gọn vùng điều trị.
ThS.BS.CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tiêm filler và botox là phương pháp làm đẹp nội khoa phổ biến nhằm làm chậm quá trình lão hóa da an toàn, hiệu quả mà không cần động dao kéo. Điểm chung của hai phương pháp này là dùng kim tiêm nhỏ, thời gian thực hiện nhanh, khoảng 15-30 phút. Tuy nhiên, filler và botox có nhiều điểm khác biệt.
Thành phần
Filler (chất làm đầy) là những sản phẩm tổng hợp hoặc sinh học có liên kết chéo, dùng để thay thế thể tích hoặc làm tăng thể tích bị mất của da và mô mềm. Có nhiều loại filler, tùy thuộc vào độ bền vững của thành phần hoạt chất chính, phổ biến nhất hiện nay là hyaluronic axit (HA), collagen, calci hydroxylapatite (CaHA), poly-L-lactic axit (PLLA), polymethylmethacrylate (PMMA).
Trong khi đó, botox (viết tắt của botulinum toxin tuýp A) có nguồn gốc từ vi khuẩn Clostridium botulinum. Đây là một loại vi khuẩn gram dương, kỵ khí, cực độc đối với hệ thần kinh. Botulinum toxin dùng trong thẩm mỹ thường thuộc tuýp A, với liều lượng ở mức không gây ngộ độc.
Cơ chế tác động và công dụng
Khi kim nhỏ đưa filler vào da, các chất này tạo thành một khối mô dày nằm dưới da, nếp nhăn. Khối mô này định hình, làm đầy các vùng bị khuyết lõm như hóp má, trũng mắt, rãnh mũi má sâu, cằm lẹm. Từ đó tạo hình các đường nét trên gương mặt như cằm V-line, sống mũi cao hay dáng môi dày, xóa mờ các nếp nhăn tĩnh (nếp nhăn có thể thấy được kể cả khi gương mặt bất động).
Thành phần của filler còn chứa các hoạt chất dưỡng da, như collagen và HA giúp trẻ hóa da, duy trì độ đàn hồi, săn chắc, căng bóng da.
Cơ chế hoạt động của botox là ức chế dẫn truyền thần kinh (chặn các tín hiệu được truyền từ dây thần kinh đến các cơ). Khối cơ vùng tiêm thư giãn, giảm khả năng hoạt động, hạn chế các nếp nhăn động xuất hiện khi cơ cử động.
Botox được sử dụng để điều trị các bệnh rối loạn cơ hoặc thần kinh. Trong ngành thẩm mỹ, đây là liệu pháp điều trị nhiều vấn đề như làm thon gọn hàm, bắp tay, bắp chân; khắc phục cười hở lợi; giảm tăng tiết mồ hôi (bàn tay, nách) và giảm nếp nhăn động (vết cau mày, vết chân chim, nếp nhăn thỏ). Phương pháp này còn có thể se khít lỗ chân lông, giảm nhờn, thúc đẩy sản xuất elastin và collagen – bộ đôi protein giúp tăng cường độ săn chắc, trẻ hóa làn da.
Thời gian hiệu quả
Tiêm filler đạt hiệu quả ngay tức thì, sự ổn định của chất làm đầy tăng lên trong một vài tuần. Kết quả làm đẹp kéo dài vài tháng đến hai năm, tùy thuộc vào loại sản phẩm, vị trí điều trị, cơ địa người bệnh và tay nghề của bác sĩ.
Botox phát huy hiệu quả sau vài ngày và đạt tối đa sau hai tuần tiêm, công dụng kéo dài 3-6 tháng. Theo cơ chế đào thải tự nhiên của cơ thể, botox giảm dần tác dụng.
Chăm sóc sau tiêm
Bác sĩ Trường An khuyến cáo không sử dụng rượu bia, chất kích thích vì ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị và quá trình hồi phục sau khi tiêm filler, botox.
Hai chất này tan nhanh hơn khi gặp nhiệt độ cao hoặc chà xát. Các thao tác sờ, nắn, xoa bóp vùng tiêm hay cười lớn, tức giận đều có thể làm cho vùng tiêm biến dạng hoặc dịch chuyển chất làm đầy sang khu vực khác.
Để giảm biến chứng và hồi phục nhanh hơn, trong 10 ngày sau tiêm filler cần hạn chế tác động lên vùng tiêm (xông hơi, massage, biểu cảm khuôn mặt mạnh) và vận động mạnh.
Nếu tiêm filler vào vùng má hoặc cằm, tránh nằm úp, nằm nghiêng hoặc đỡ cằm, chống cằm. Tránh trang điểm 1-2 ngày sau tiêm. Mỹ phẩm dính vào điểm tiêm có thể gây nhiễm trùng.
Sau khi tiêm botox, người bệnh nên tránh vận động mạnh hoặc uống quá nhiều caffein vì có khả năng gây mất nước và tăng nhịp tim. Tăng nhịp tim và lưu lượng máu có thể làm quá trình phân hủy botox diễn ra nhanh chóng hơn.
Nguồn : https://vnexpress.net/filler-khac-botox-the-nao-4712344.html