Nhiều người sợ ăn mít gây nóng, tăng huyết áp và gây nổi mụn nhưng thực tế mít không hề gây nóng mà chất đường là tác nhân gây mụn. Ăn mít đúng cách sẽ giúp phòng chữa nhiều bệnh.
Theo tài liệu của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), trong múi mít chứa nhiều chất đường, đạm, các loại vitamin A, B1, B2, C và nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Có người còn gọi mít là “bánh mì trái cây”.
Ăn mít có nóng và gây tăng huyết áp, tiểu đường?
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết không ít người cho rằng ăn mít nóng và mít ngọt ăn dễ tăng huyết áp và tiểu đường nên kiêng không ăn.
Thực ra đó là hiểu lầm, mít không nóng mà là tính bình, không độc, không gây tăng huyết áp, tiểu đường, mà có tác dụng bổ tỳ, ích khí, làm đẹp da mặt, chữa phiền khát, huyết áp cao, sưng tấy, mụn, nhọt, lợi sữa…
Lương y Trung phân tích múi mít chín vàng óng, ăn ngon ngọt, đặc biệt có hương thơm rất đặc trưng, được coi là thức ăn bổ dưỡng và có tác dụng long đờm.
Về giá trị dinh dưỡng trong thịt múi mít chín có protein 0,6 – 1,5% (tùy loại mít), glucid 11 – 14% (bao gồm nhiều đường đơn như fructose, glucose, cơ thể dễ hấp thu), caroten, vitamin C, B2… và các chất khoáng như sắt, canxi, phospho… Ăn mít có rất nhiều lợi ích về sức khỏe:
Tăng cường hệ thống miễn dịch: Vitamin C là nguồn dinh dưỡng bổ sung được sử dụng rộng rãi nhất vì nó nổi tiếng là chất dinh dưỡng có thể giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh cảm lạnh và các bệnh lây nhiễm. Một chén múi mít có thể cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Điều hòa lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu cao là một trong những biểu hiện của sự thiếu khoáng chất mangan trong cơ thể. Mít chứa một lượng rất lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu này giúp cơ thể điều hòa lượng đường trong máu.
Phòng ngừa bệnh loãng xương: Mít chứa dồi dào khoáng chất magiê sẽ hỗ trợ cho hoạt động của canxi để xây dựng và củng cố xương luôn chắc khỏe. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy những ai tiêu thụ thực phẩm giàu kali và magiê sẽ có mật độ xương cao hơn và chắc khỏe hơn. Mít rất giàu kali và magiê, ai loãng xương hãy ăn mít.
Giữ tuyến giáp luôn khỏe mạnh: Đồng là khoáng chất giữ vai trò quan trọng cho sự trao đổi chất trong cơ thể, đặc biệt là sự sản sinh và hấp thụ hormone. Ngoài ra, nó còn giúp cho tuyến giáp luôn khỏe mạnh. Mít là nguồn thực phẩm tập hợp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, trong đó có khoáng chất đồng.
Điều hòa huyết áp: Nhiều nghiên cứu cho thấy thức ăn giàu kali sẽ giúp làm giảm huyết áp, mà trong mít lại chứa khá nhiều kali, 100g mít có tới 300mg. Do đó, mít thật sự là nguồn dinh dưỡng có ích đối với người bị cao huyết áp.
Tốt cho tiêu hóa: Vì chứa lượng chất xơ cao, mít là loại trái cây tuyệt vời có thể giúp bạn giảm thiểu và phòng ngừa bệnh táo bón.
Phòng ngừa chứng quáng gà: Mít chứa lượng vitamin A bằng lượng vitamin A của khoảng 1/4 ly cà rốt nên loại trái cây này có khả năng phòng ngừa các bệnh về mắt như chứng quáng gà.
Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim: Cũng giống như hầu hết các loại trái cây và rau củ khác, mít cũng là loại trái cây thân thiện đối với tim mạch vì lượng vitamin B6 cao trong mít có thể làm giảm homocystein trong máu (yếu tố gây nên bệnh xơ cứng động mạch).
Hỗ trợ điều trị các chứng tắc nghẽn mạch máu: Mít chứa nhiều canxi, một loại khoáng chất không những có lợi cho xương mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và chống lại các chứng tắc nghẽn mạch máu.
Chống ung thư: Mít chứa nhiều chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ các DNA của tế bào tránh bị thiệt hại trực tiếp, hoặc các đột biến gây ra do các gốc oxy tự do. Hơn nữa, mít còn giúp cho đại tràng loại bỏ tất cả các độc tố trong hệ tiêu hóa – yếu tố liên kết với việc tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Ai không nên ăn?
Theo lương y Vũ Quốc Trung, mít là một loại trái cây mang nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên mít không “lành” với tất cả mọi người nên một số người cần lưu ý:
Hàm lượng đường trong mít rất cao, ăn vào lúc đói có thể gây tăng đường huyết đột ngột có thể khiến bạn hoa mắt chóng mặt, đầy bụng, khó tiêu.
Đặc biệt, những người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt không nên ăn nhiều vì sẽ làm tăng lượng đường trong máu là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu – nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
Mít chứa nhiều đường không tốt cho gan nên những trường hợp gan nhiễm mỡ có kèm viêm gan vừa hoặc nặng nên cẩn thận khi ăn mít.
Mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng. Vì vậy, người tiểu đường không nên ăn nhiều mít.
Mít giàu kali, người bệnh suy thận mạn ăn nhiều mít sẽ khiến kali bị ứ đọng lại, dẫn đến tăng kali máu khiến thận suy không làm tốt chức năng của mình, vì vậy cần hạn chế,
Người bị suy nhược, sức khỏe yếu, người bệnh mạn tính khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim phải làm việc nhiều có thể dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp.
Tránh ăn mít với những người muốn mang thai. Bởi ăn mít sẽ gây giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng và sức lực của nam giới.
Lưu ý khi ăn mít
Nên ăn với lượng vừa phải, với những người mắc bệnh mạn tính, chỉ nên ăn tối đa 80g (khoảng 3 – 4 múi mít/ngày).
Khi ăn cần nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối.
Nếu người nóng trong, hay nổi mụn nhọt, khi ăn mít thì cần bổ sung đủ nước (2 – 2,5l/ngày) và rau xanh (200 – 300g/ngày).
Nguồn : https://tuoitre.vn/mit-co-the-chua-benh-nhung-can-chu-y-khi-an-20230823214003489.htm