Đối nghịch nhiều người ăn không ngon miệng, sụt cân khi căng thẳng, stress thì nhiều người lại thừa cân, béo phì. Những người này có điểm chung thèm ăn ngọt nhiều hơn vì giúp cải thiện tâm trạng đáng kể.
“Cảm thấy tâm trạng được cải thiện”
Với khối lượng công việc lớn và thường xuyên bị quá tải, chị N.Đ. (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) hay bị căng thẳng, stress. Không hẳn khoái ăn ngọt, nhưng chị Đ. thường xuyên mua một ly trà sữa hay bánh ngọt để tự thưởng cho bản thân và cảm thấy tâm trạng được cải thiện hơn.
Sau thời gian dài duy trì thói quen ăn uống đồ ngọt vào những lúc căng thẳng, và cùng với lối sống tĩnh tại, lười vận động, vòng eo của chị Đ. đã ở ngưỡng 80cm. Chị cảm thấy cơ thể luôn ì ạch nhưng khó thoát khỏi suy nghĩ sẽ ăn uống đồ ngọt gì sau làm việc.
“Trước giờ thấy nhiều người bị căng thẳng thì khó ăn uống nhưng tôi lại ăn nhiều hơn, nhất là đồ ngọt. Nhiều lúc công việc áp lực, tôi tự động viên bản thân là làm xong sẽ thưởng một ly trà sữa. Dù biết dùng đồ ngọt nhiều không tốt nhưng hoàn cảnh lúc đó lại chọn ăn uống đồ ngọt để lấy lại mood, cũng như một cách cổ vũ tinh thần”, chị Đ. chia sẻ.
Không chỉ chị Đ., có rất nhiều người cũng có khuynh hướng chọn những thức ăn, đồ uống ngọt trong và sau những lúc làm việc, học tập căng thẳng như là cách giúp giải tỏa tâm trạng, tiếp thêm năng lượng làm những việc còn lại.
Giảm được căng thẳng, nhưng dùng nhiều sẽ thừa cân béo phì
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – cho biết mặc dù bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ một nửa nhu cầu carbohydrate hằng ngày và glucose là nhiên liệu quan trọng nhất.
Trong 3 chất sinh năng lượng (protein, lipid và carbohydrate), carbohydrate lại là nguồn cung cấp năng lượng nhanh nhất cho cơ thể, nên có thể đây là một trong các lý do khiến nhiều người thường có khuynh hướng ăn ngọt khi căng thẳng để đáp ứng nhanh nhu cầu năng lượng tăng cao của não bộ.
Mặt khác, một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy sử dụng đường ngọt dường như có tác dụng ức chế sự tiết cortisol do căng thẳng, làm giảm thiểu cảm giác lo lắng và căng thẳng.
Tuy nhiên khi dùng quá nhiều đường trong thời gian dài có thể dẫn đến thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường và chất béo, bệnh đái tháo đường type 2, nổi mụn trên da và một số tình trạng sức khỏe khác. Tiêu thụ quá nhiều đường còn gây ra sự mất cân bằng một số hóa chất trong não có thể dẫn đến trầm cảm ở một số người.
Các loại thức ăn, đồ uống ngọt không chỉ là bánh, kẹo, nước ngọt, trà sữa (chủ yếu là đường tinh) mà kể cả các loại thức ăn chứa nhiều đường tự nhiên cũng nên hạn chế (nước mía, sữa tươi có đường, trái cây ngọt như sầu riêng, nhãn, vải…).
Chọn món ăn vặt nhiều đường tinh chế thay thế đường qua chế biến
Bác sĩ Hạnh cho hay hạn chế đường đã qua chế biến không có nghĩa là từ chối niềm vui của mình với những món ăn có vị ngọt nhẹ. Chúng ta hãy thay thế món ăn vặt với các thức ăn nhiều đường tinh chế bằng các món ăn dinh dưỡng không kém phần hấp dẫn:
– Sữa chua trái cây tươi (trái cây tươi đủ màu sắc cắt nhỏ trộn với sữa chua, có thể thêm một ít trái cây khô hoặc vài loại hạt).
– Trái cây tươi đa dạng (cam, bưởi, thanh long, dâu tây, kiwi, xoài…).
– Sinh tố: trái cây tươi như bơ, dâu tây… xay với sữa tươi hoặc sữa hạt, sữa chua.
– Nước ép trái cây: ví dụ nước dưa hấu thêm chút cốt chanh và mật ong.
– Một nắm tay các loại hạt (có thể tẩm chút mật ong).
– Rau củ, trái cây, hạt sấy giòn…
Nguồn : https://tuoitre.vn/thua-can-do-thich-an-ngot-khi-cang-thang-stress-2023102716541355.htm