Viêm phế quản mạn tính là 1 thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng ho dai dẳng, hay tái phát, kèm theo khạc đờm, nặng tức ngực ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các cách hỗ trợ cải thiện bệnh viêm phế quản mạn tính tại nhà.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng tiết dịch nhầy trong lòng phế quản quá mức, điều này gây kích thích ho khạc đờm thường xuyên. Một người bệnh được coi là viêm phế quản mạn tính khi ho khạc đờm kéo dài ít nhất 2 năm liên tiếp, mỗi năm 3 tháng liên tục và mỗi tháng 3 tuần liền.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm phế quản mạn tính
Diễn tiến của bệnh viêm phế quản mạn tính thường kéo dài trong một thời gian, ban đầu các triệu chứng nhẹ và ít được để ý, diễn biến từ từ và tăng dần sẽ khiến ảnh hưởng đến sinh hoạt khi bệnh nặng hơn. Dưới đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh viêm phế quản mạn tính:
– Ho: Các triệu chứng ho trong bệnh viêm phế quản mạn tính thường là ho kéo dài, đôi khi chỉ húng hắng, thỉnh thoảng xuất hiện thành cơn khi có yếu tố bất lợi như gặp lạnh, dị ứng, khói bụi,…
– Khạc đờm: Thường là khạc đờm trắng, nhầy, dính. Trong các đợt bội nhiễm, người mắc viêm phế quản mạn tính có thể xuất hiện đờm vàng, xanh, nâu, mủ,… thậm chí có máu.
– Khó thở: Thường xuất hiện ở giai đoạn sau của viêm phế quản mạn tính. Khó thở từ từ, tăng dần thỉnh thoảng xuất hiện thành cơn khó thở nhiều.
Biện pháp hỗ trợ người viêm phế quản mạn tính tại nhà
Tùy vào từng tình trạng cụ thể mà viêm phế quản mạn tính sẽ được hỗ trợ bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:
Phương pháp nội khoa
Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc với liều lượng, cách dùng sao cho phù hợp.
– Thuốc giãn phế quản: Đây là loại thuốc cải thiện tình trạng hẹp phế quản, giúp thông thoáng đường thở và hỗ trợ người bệnh hô hấp dễ dàng hơn.
– Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm có tác dụng giảm sưng nề đường hô hấp, cải thiện tình trạng khó thở nên có thể được chỉ định trong việc cải thiện viêm phế quản mạn tính.
– Thuốc kháng sinh: Đối với viêm phế quản mạn tính có yếu tố nhiễm khuẩn, việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Tuy nhiên, kháng sinh là một loại thuốc kê đơn, do đó chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
– Thuốc giảm ho, long đờm: Viêm phế quản mạn tính thường khiến người mắc khó chịu, mệt mỏi với ho, khạc đờm kéo dài. Do đó, việc sử dụng thuốc giảm ho, long đờm sẽ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh.
Tập thở phục hồi chức năng phổi
Người bệnh thường được hướng dẫn tập thở bằng cách mím môi và hít vào bằng mũi, sau đó chúm môi từ từ thở ra bằng miệng. Mỗi ngày nên tập thở mím môi khoảng 3 lần, mỗi lần khoảng 15 phút.
Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hỗ trợ cải thiện viêm phế quản mạn tính hiệu quả, cụ thể:
– Cung cấp nước đầy đủ: Nước đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sống của cơ thể. Đặc biệt, ở người mắc viêm phế quản mạn tính thường có tình trạng ứ đọng đờm, dịch nhầy mũi họng, việc cung cấp đủ nước giúp cổ họng luôn được ẩm và hỗ trợ làm loãng đờm, dịch tiết.
– Cung cấp đủ chất dinh dưỡng: Người bệnh viêm phế quản mạn tính cần ăn uống đảm bảo cân bằng protid, glucid, lipid. Tăng cường các loại trái cây, rau xanh để bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Viêm phế quản mạn tính là bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp cải thiện bệnh viêm phế quản mạn tính khác nhau.
Nguồn : https://suckhoedoisong.vn/viem-phe-quan-man-tinh-dau-hieu-nhan-biet-va-cach-xu-ly-169240702103336817.htm